Quyền im lặng của bị can, bị cáo

Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 ban hành đã có những điều khoản bổ sung, mở rộng thêm về địa vị pháp lý của bị can, bị cáo cũng như những người tham gia tố tụng khác nhằm đảm bảo quyền con người của họ trong vụ án hình sự. Một điểm nổi bật trong quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 là lần đầu tiên quyền im lặng của bị can, bị cáo được ghi nhận, thể hiện gián tiếp qua một số điều luật. Quyền im lặng đã được vận dụng linh hoạt trong một số vụ án hiện nay mà điển hình là vụ án hoa hậu Phương Nga và Nguyễn Đức Thuỳ Dung (30 tuổi, bạn Nga) bị khởi tố tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Hoa hậu Phương Nga đã sử dụng quyền im lặng trong vụ án như sau:
Thứ nhất, nội dung về quyền im lặng đã được quy định tại các Điều 59, 60 và 61 của BLTTHS năm 2015. Đây là một bước tiến quan trọng trong việc ghi nhận quyền im lặng, là việc bảo đảm quyền cơ bản đối với người bị tạm giữ, bị can, bị cáo. Theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 60 và điểm h khoản 2 Điều 61 BLTTHS năm 2015: “Bị can, bị cáo có quyền trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội.” Điều này thể hiện rằng bị can, bị cáo có quyền tự chủ trong khai báo, việc không trình bày lời khai thể hiện ở việc bị can, bị cáo im lặng trước cơ quan tiến hành tố tụng. Khi bị can, bị cáo im lặng, cơ quan tiến hành tố tụng không có quyền ép buộc họ phải khai báo bằng các biện pháp không hợp pháp. Như vậy, bị can, bị cáo hoàn toàn có quyền im lặng. Việc bị can, bị cáo
không trả lời cơ quan, người tiến hành tố tụng những điều bất lợi cho bản thân sẽ không bị coi là tình tiết tăng nặng.
Thứ hai, trong quá trình điều tra vụ án hình sự, ở hoạt động hỏi cung bị can, Hoa hậu Phương Nga đã sử dụng quyền im lặng khi Cơ quan điều tra hỏi, bị can đã im lặng không trả lời. Việc im lặng này thể hiện rằng, bị can sẽ không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội. Khi bị can im lặng, Cơ quan điều tra không có quyền ép buộc họ đưa ra lời khai, cũng không được phép dùng nhục hình, bức cung hay bằng một hành vi trái pháp luật nào khác, điều này sẽ xâm phạm đến quyền con người của bị can trong quá trình giải quyết vụ án hình sự. Lời khai là bằng chứng cực kỳ quan trọng có thể ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả của vụ án, vì vậy việc bị can Phương Nga sử dụng quyền im lặng trong hoạt động điều tra thể hiện việc tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, tránh được những tình tiết bất lợi cho mình trong những lời khai đó. Đặc biệt, khi được hỏi về lý do tại sao trong quá trình điều tra bổ sung, bị cáo không khai báo gì thêm thì bị cáo Nga cho rằng trong quá trình điều tra mình đã bị lừa, vì vậy bị cáo
không tin tưởng cơ quan điều tra, Viện kiểm sát,…. Bị cáo Nga nói rõ mình hiểu việc giữ quyền im lặng sẽ gây bất lợi cho mình, nhưng bị cáo cũng không có nghĩa vụ chứng minh mình bị oan. Vì vậy, bị cáo Nga tiếp tục giữ quyền im lặng và xin không khai báo gì thêm. Qua đó cho ta thấy rằng hoạt động điều tra đã phần nào ảnh hưởng đến tâm lý của bị can, có những bị can có thể bị ép buộc hoặc có những bị can khai báo trên tinh thần hoảng sợ, điều này ảnh hưởng đến tính khách quan của vụ án. Việc bị can Phương Nga sử dụng quyền im lặng trong quá trình điều tra vụ án sẽ gây khó khăn rất lớn cho Cơ quan điều tra trong việc tìm ra chứng cứ phục vụ cho việc giải quyết vụ án nhưng lại giúp cho bị can có thể bảo vệ tốt quyền con người của mình.


Thứ ba, trong hoạt động xét xử vụ án, tại phiên tòa tại phần xét hỏi, bị cáo lại tiếp tục sử dụng quyền im lặng của mình, cụ thể: Bị cáo Phương Nga xin Hội đồng xét xử giữ nguyên lời khai tại phiên tòa sơ thầm lần thứ nhất, không khai báo gì thêm và cho bị cáo giữ quyền im lặng. Ngay cả trong phần xét hỏi tại phiên xét xử ngày 22/6, bị cáo Phương Nga đã xin chủ tọa được dùng “quyền im lặng” và giữ nguyên lời khai như phiên tòa trước đó, đồng thời không trình bày thêm. Nga nhấn mạnh trước tòa, việc thực hiện “quyền im lặng” là do chủ ý của bị cáo, không bị ai ép buộc gì.Tương tự, trước những câu hỏi của Đại diện Viện kiểm sát, bị cáo Phương Nga vẫn giữ “quyền im lặng” của mình. Phương Nga cho rằng bị cáo sẽ không trả lời bất kỳ câu hỏi nào của Viện kiểm sát ngày hôm nay. Bị cáo không tin tưởng Viện kiểm sát, không tin tưởng cơ quan điều tra và không phải bị cáo không hợp tác mà bị cáo giữ quyền im lặng. Khi Đại diện Viện kiểm sát hỏi bị cáo Phương Nga về các lời khai của người liên quan tại tòa, Nga không ý kiến. Đồng thời, Nga cũng nói mình không có nghĩa vụ chứng minh mình vô tội, bị oan. Nghĩa vụ chứng minh tội phạm là trách nhiệm của các cơ quan tố tụng. Bị cáo Phương Nga đã sử dụng quyền im lặng trong quá trình xét xử vụ án để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình trước những câu hỏi của Hội đồng xét xử và Đại diện Viện kiểm sát. Tại phiên tòa xét xử có nhiều trường hợp bị cáo bị áp lực từ những câu hỏi của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng nên đã trả lời không chính xác, không đúng trọng tâm của câu hỏi nên ảnh hưởng đến kết quả của vụ án. Vì vậy, việc vận dụng quyền im lặng của bị cáo Phương Nga trong giai đoạn xét xử đặt ra yêu cầu lớn đối với Hội đồng xét xử cũng như Viện kiểm sát hay cơ quan tố tụng khác trong việc nghiên cứu hồ sơ, thu thập đầy đủ chứng cứ, xem xét để đưa ra những phán quyết đúng người, đúng tội và đúng quy định pháp luật tố tụng hình sự.
Từ đó, có thể thấy rằng trong hoạt động tố tụng hình sự từ giai đoạn khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử, Phương Nga đã vận dụng linh hoạt quyền im lặng của mình, Phương Nga đã giữ im lặng trước hoạt động điều tra của Cơ quan điều tra, trước những câu hỏi của Hội đồng xét xử cũng như Viện kiểm sát trong phiên tòa xét xử. Khi bị can, bị cáo im lặng thì sự im lặng không có nghĩa là nhận tội, điều này gây khó khăn rất lớn trong quá trình điều tra vụ án của Cơ quan điều tra và các cơ quan tiến hành tố tụng khác nhưng đảm bảo được rằng bị can, bị cáo sẽ bảo vệ được quyền và lợi ích hợp của bản thân mình trong quá trình giải quyết vụ án hình sự. Việc vận dụng quyền im lặng thể hiện quyền được tự bảo vệ mình của bị can, bị cáo tránh các hành vi mớm cung, bức cung, nhục hình từ cơ quan điều tra như trong hoạt động hỏi cung bị can, khi bị ép, bị khai không đúng với sự thật của vụ án. Bởi lẽ, người khi bị bắt giữ thường có trạng thái tâm lý rất dễ hoảng loạn, mất tinh thần, điều này khiến họ dễ bị ảnh hưởng từ áp lực của cơ quan điều tra trong việc lấy lời khai.Từ đó dẫn đến việc họ đưa ra những lời khai bất lợi cho bản thân hoặc nhận tội ngay khi chưa được điều tra, làm rõ hoặc xác minh một cách kỹ càng trên thực tế, góp phần tránh được những sai sót hay không rõ ràng của lời khai ban đầu khi tâm lý còn chưa ổn định. Thực tiễn trong quá trình điều tra việc căncứ vào những lời khai, chứng cứ trên, Hội đồng xét xử cũng như các Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát đã có những phán quyết sai, ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả của vụ án, vi phạm nghiêm trọng đến việc bảo vệ quyền con người cũng như quyền của bị can, bị cáo trong vụ án hình sự.
Quyền im lặng đánh giá là một bước tiến lớn của việc nâng cao quyền con người trong hoạt động tố tụng hình sự, bảo đảm cho bị can, bị cáo tự bảo vệ quyền lợi của mình trước cơ quan tố tụng. Tuy nhiên, cũng có những bị can, bị cáo lợi dụng việc sử dụng quyền im lặng để không nhận tội, như vậy sẽ gây khó khăn rất lớn trong hoạt động điều tra của Cơ quan điều tra cũng như các cơ quan tiến hành tố tụng khác trong việc giải quyết vụ án hình sự.

Trên đây là bài viết phân tích về quyền im lặng của bị can, bị cáo trong vụ án cụ thể. Để được tư vấn hỗ trợ, giải đáp những thắc mắc Quý khách hàng vui lòng liên hệ:

  • Hotline: 0907533111 – 0902732883
  • Công Ty Luật TNHH SMPL
  • Địa chỉ: số 44 Đường 24 B Phường An Phú, Thành phố Thủ Đức, TP.HCM
  • Website: dichvuphaply.net
  • Email: [email protected]

 

Bài viết liên quan