Thuật ngữ bị cáo đã được sử dụng trong nhiều sắc lệnh về tổ chức cơ quan tư pháp do Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa kí từ năm 1945. Tuy nhiên chỉ đến năm 1974 trong bản hướng dẫn về trình tự tố tụng sơ thẩm về hình sự (kèm theo Thông tư số 16/TATC ngày 27 tháng 9 năm 1974 của Tòa án nhân dân tối cao) mới đưa ra định nghĩa pháp lý về khái niệm bị cáo:“Bị cáo là người bị truy cứu trách nhiệm hình sự trước tòa án nhân dân”.
Trong Bộ luật tố tụng hình sự năm 1988 khái niệm bị cáo được quy định tại Điều 34. Tiếp đến, khái niệm bị cáo tiếp tục được quy định tại Điều 50 của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003. Từ thời điểm thầm phán được phân công chủ tọa phiên tòa ra quyết định đưa vụ án ra xét xử thì bị can trở thành bị cáo.
Theo quy định tại Điều 61 của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 bị cáo là người hoặc pháp nhân đã bị Tòa án quyết định đưa ra xét xử. Khác với quy định Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 thì bị cáo chỉ là cá nhân, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 đã bổ sung thêm bị cáo là người hoặc pháp nhân đã bị Tòa án quyết định đưa ra xét xử.
Sau khi cơ quan điều tra kết thúc điều tra, nếu thấy có đủ chứng cứ để khẳng định rằng bị can đã phạm tội do Bộ luật hình sự quy định thì đề nghị Viện kiểm sát truy tố ra trước Tòa án. Trong quá trình chuẩn bị xét xử, Thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa, nếu thấy có đủ điều kiện để đưa vụ án ra xét xử mà không phải trả hồ sơ cho Viện kiểm sát để điều tra bổ sung, không có căn cứ để đình chỉ hay tạm đình chỉ vụ án thì ra quyết định đưa vụ án ra xét xử. Từ thời điểm này, bị can trở thành bị cáo trong vụ án hình sự. Như vậy, bị cáo tham gia vào quá trình tố tụng từ khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử của Thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa.
Bị cáo cũng là người hoặc pháp nhân bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị buộc tội. Vì vậy, địa vị pháp lý của bị cáo cũng giống như địa vị pháp lý của bị can, đó là bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế tố tụng do Bộ luật tố tụng hình sự quy định, có nguy cơ bị xâm phạm đến quyền con người cao nên cần phải có các biện pháp bảo đảm, tránh những phán quyết sai của cơ quan có thẩm quyền, vi phạm nghiêm trọng quyền con người của bị cáo.
Bị cáo tham gia tố tụng trong hoạt động xét xử, đầy đủ những người tham gia tố tụng, các cơ quan, người tiến hành tố tụng với chức năng buộc tội, bào chữa, xét xử; thực hiện các quyền tố tụng của mình trong phiên tòa xét xử công khai, dân chủ và bình đẳng. Trong quá trình xét xử, phiên tòa diễn ra với sự chứng kiến của tất cả mọi người nên người tiến hành tố tụng khó có khả năng sử dụng các biện pháp trái với pháp luật, vi phạm quyền con người như đe dọa bức cung, dùng nhục hình,..Bên cạnh đó, có nhiều trường hợp bị cáo tố cáo người tiến hành tố tụng dùng nhục hình, bức cung để bị cáo nhận tội, điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền con người của bị cáo, gây nên tình trạng oan sai trong hoạt động xét xử.
Trên đây là bài viết phân tích về khái niệm của bị cáo theo Bộ luật tố tụng hình sự. Để được tư vấn, hỗ trợ các dịch vụ pháp lý để bảo vệ quyền và nghĩa vụ của bị cáo trong vụ án hình sự, Quý Khách hàng vui lòng liên hệ:
- Hotline: 0907533111
- Công Ty Luật TNHH SMPL
- Website: dichvuphaply.net
- Email: [email protected]