Khái niệm bị can

Thuật ngữ bị can đã được sử dụng trong Sắc lệnh số 13 ngày 24 tháng 1 năm 1946 về tổ chức tòa án và các ngạch thẩm phán và trong nhiều văn bản pháp luật tố tụng hình sự khác nhưng cho đến trước khi Bộ luật tố tụng hình sự được ban hành vẫn chưa có một định nghĩa pháp lý về bị can. Khái niệm bị can được quy định lần đầu tiên tại Bộ luật tố tụng hình sự năm 1988.

Theo quy định tại Điều 60 của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 thì khái niệm bị can là người hoặc pháp nhân bị khởi tố về hình sự. Khác với quy định tại Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 bị can chỉ là cá nhân, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 đã mở rộng thêm bị can là người hoặc pháp nhân bị khởi tố về hình sự.

Như vậy, bị can là người hoặc pháp nhân mà cơ quan điều tra có đủ căn cứ xác định rằng đã thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội được Bộ luật hình sự quy định là tội phạm nên đã ra quyết định khởi tố bị can. Kể từ thời điểm quyết định khởi tố bị can, tức nhà nước thể hiện sự ràng buộc đối với con người cụ thể, bị can là người chính thức bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị buộc tội. Bị can tham gia vào giai đoạn điều tra, truy tố và một phần giai đoạn xét xử sơ thẩm.

Từ góc độ áp dụng các biện pháp cưỡng chế, bị can là người đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị can có thể bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế tố tụng nghiêm khắc hơn so với người bị tạm giữ và những người tham gia tố tụng khác. Bị can có thể bị tạm giam và các biện pháp ngăn chặn khác như cấm đi khỏi nơi cư trú, bảo lãnh, đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm; bị can có thể bị kê biên tài sản, bị truy nã nếu bỏ trốn; bị can được hỏi cung

Từ góc độ bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của con người, bị can là người đã bị buộc tội vì có căn cứ xác định là đã thực hiện tội phạm, bị can là người có nguy cơ dễ bị xâm phạm các quyền tự do dân chủ, nhất là quyền bất khả xâm phạm về thân thể, quyền được bảo hộ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm…Các xâm phạm này có thể xuất phát từ cơ quan, người tiến hành tố tụng như truy bức, dùng nhục hình trong điều tra hoặc từ cơ quan tổ chức hoặc cá nhân như trả thù của người bị hại.

Như vậy, từ góc độ xác định địa vị tố tụng, bị can có thể bị áp dụng nhiều biện pháp cưỡng chế tố tụng hình sự, bị can bị truy cứu trách nhiệm hình sự và hậu quả pháp lý nặng nề từ việc truy cứu đó nên có khả năng bị xâm phạm quyền con người cao. Vì vậy, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 đã bổ sung thêm một số quyền tố tụng của bị can để tạo ra cơ sở pháp lý cho họ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình trước nguy cơ bị xâm phạm quyền con người trong quá trình giải quyết vụ án.

Trên đây là bài viết phân tích về khái niệm của bị can theo Bộ luật tố tụng hình sự. Để được tư vấn, hỗ trợ các dịch vụ pháp lý để bảo vệ quyền và nghĩa vụ của bị can trong vụ án hình sự, Quý Khách hàng vui lòng liên hệ:

  • Hotline: 0907533111 
  • Công Ty Luật TNHH SMPL
  • Địa chỉ: số 57, Đường N1, Phường Cát Lái, Thành phố Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh
  • Website: dichvuphaply.net
  • Email: [email protected]
Bài viết liên quan