Thứ nhất, cấp dưỡng là gì ?
Cấp dưỡng là việc một người có nghĩa vụ đóng góp tiền hoặc tài sản khác để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người không sống chung với mình mà có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng trong trường hợp người đó là người chưa thành niên, người đã thành niên mà không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình hoặc người gặp khó khăn, túng thiếu theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 ( Khoản 24 Điều 3 Luật Hôn nhân gia đình năm 2014)
Thứ hai, nghĩa vụ cấp dưỡng là gì ?
Nghĩa vụ cấp dưỡng là là sự biểu đạt vật chất của tình đoàn kết giữa các thành viên trong cùng một gia đình, là nghĩa vụ mà luật áp đặt đối với một thành viên gia đình, theo đó thành viên này phải giúp đỡ thành viên khác, về phương diện vật chất, trong điều kiện thành viên khác sống trong tình trạng túng quẩn và không thể tự mình giải quyết vấn đề ổn định điều kiện sống vật chất của mình.
Vậy cha, mẹ cấp dưỡng cho con được hiểu là việc cha, mẹ đóng góp tài sản để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của con khi không chung sống với con chưa thành niên, người đã thành niên mà không có khả năng lao động.
Như vậy, nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con sau khi vợ chồng ly hôn được quy định cụ thể, chi tiết trong Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 bao gồm các trường hợp cha mẹ phải cấp dưỡng cho con, mức cấp dưỡng cũng như phương thức cấp dưỡng theo quy định của pháp luật.
Các trường hợp cha mẹ phải cấp dưỡng cho con bao gồm:
Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định nghĩa vụ, quyền của cha mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn và nghĩa vụ, quyền của người trực tiếp nuôi con đối với người không trực tiếp nuôi con. Điều này, thể hiện rõ quyền và nghĩa vụ cũng như trách nhiệm của cha mẹ đối với con sau khi ly hôn, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người con. Cụ thể, tại Điều 82 và Điều 83 của Luật hôn nhân và gia đình năm 2014.
Từ những quy định cụ thể về quyền và nghĩa vụ của người trực tiếp nuôi con với người không trực tiếp nuôi con, Luật Hôn nhân và gia đình quy định nghĩa vụ cấp dưỡng của cha, mẹ đối với con tại Điều 110: “Cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên, con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trong trường hợp không sống chung với con hoặc sống chung với con nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con”.
Như vậy, sau khi ly hôn người không trực tiếp nuôi con phải cấp dưỡng cho con chưa thành niên. Người chưa thành niên được hiểu là người chưa đủ 18 tuổi, (Điều 21 Bộ luật dân sự năm 2015). Nếu con chưa thành niên, con đã thành niên mà không tự nuôi sống được bản thân do không có khả năng lao động và không có tài sản thì người có nghĩa vụ cấp dưỡng phải có trách nhiệm cấp dưỡng.
Vì chưa có văn bản hướng dẫn áp dụng trực tiếp quy phạm “con đã thành niên mà không có khả năng lao động” nên chúng ta có thể áp dụng tương tự pháp luật, cụ thể tại Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08/7/2006 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật dân sự năm 2005 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, có quy định về bồi thường thiệt hại trong trường hợp “mất khả năng lao động” theo đó, “người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần có người thường xuyên chăm sóc (người bị thiệt hại không còn khả năng lao động do bị liệt cột sống, mù hai mắt, liệt hai chi, bị tâm thần nặng và các trường hợp khác do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định bị suy giảm khả năng lao động vĩnh viễn từ 81% trở lên…” Do vậy, nếu như người thành niên, mà thường xuyên cần phải có người chăm sóc và rơi vào những trường hợp như Nghị quyết 03/2006 đã liệt kê ở trên thì mới xác định họ “không còn khả năng lao động”.
Vấn đề đặt ra hiện nay là sau khi ly hôn, nghĩa vụ cấp dưỡng được đặt ra như thế nào với cha mẹ trực tiếp nuôi con và cha mẹ không trực tiếp nuôi con. Mức cấp dưỡng là bao nhiêu mỗi tháng, có căn cứ vào thu nhập của người có nghĩa vụ cấp dưỡng hay không ? Và phương thức cấp dưỡng sẽ thực hiện như thế nào theo đúng quy định của pháp luật ?
Mọi thông tin chi tiết cần tư vấn, hỗ trợ dịch vụ, vui lòng liên hệ:
Website: dichvuphaply.net
DĐ: 0907 533 111
Email: [email protected]