Tranh chấp hợp đồng dân sự thường phát sinh từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Có thể là tranh chấp về hình thức do không được công chứng, chứng thực, hoặc tranh chấp nội dung trái quy định pháp luật hỗ trợ… Nhằm giúp bạn đọc hiểu thêm về các loại tranh chấp dân sự thường thấy, công ty luật TNHH SMP xin trình bày những nội dung sau đây tới bạn đọc và quý khách hàng.
Tranh chấp hợp đồng dân sự là gì?
Tranh chấp hợp đồng dân sự là những mâu thuẫn, xung đột, bất đồng giữa các bên về việc thực hiện hoặc không thực hiện các quyền và nghĩa vụ trong quan hệ hợp đồng.
Tranh chấp hợp đồng có những đặc điểm sau:
- Có hợp đồng giữa các bên. Hợp đồng được giao kết theo 03 hình thức: lời nói, hành vi hoặc văn bản;
- Khi tranh chấp phát sinh, sự thỏa thuận giữa các bên không còn tồn tại và thống nhất;
- Chủ thể tranh chấp là chủ thể của hợp đồng được giao kết;
- Tranh chấp hợp đồng luôn gắn với lợi ích giữa các bên tranh chấp;
- Có sự vi phạm nghĩa vụ hoặc một trong các bên cho rằng bên kia vi phạm nghĩa vụ trong hợp đồng hoặc theo quy định của pháp luật.
Các tranh chấp hợp đồng dân sự thường gặp
Hiện nay, tồn tại khá nhiều dạng hợp đồng (dân sự) như: hợp đồng mua bán tài sản, hàng hóa; hợp đồng vay tài sản; hợp đồng thuê tài sản; hợp đồng vận chuyển hành khách, hàng hóa; hợp đồng gia công; hợp đồng ủy quyền… được quy định trong Bộ luật Dân sự 2015 và các luật khác có liên quan.
Dù đã có thỏa thuận và giao kết hợp đồng, hưng thông thường, các bên trong quan hệ hợp đồng dân sự thường tranh chấp những nội dung như:
- Thời điểm có hiệu lực của hợp đồng;
- Thời điểm chuyển giao rủi ro;
- Thời điểm giao hàng, thời điểm thanh toán;
- Quyền và nghĩa vụ giữa các bên trong hợp đồng;
- Giá cả, phương thức thanh toán;
- Đối tượng của hợp đồng;
- Số lượng, chất lượng sản phẩm, hàng hóa;
- Trách nhiệm bồi thường thiệt hại, phạt vi phạm, …
Phương thức giải quyết tranh chấp hợp đồng dân sự
Thương lượng
- Hợp đồng là sự thỏa thuận. Do vậy, thương lượng (thỏa thuận) là phương thức ưu tiên áp dụng để “giải quyết tranh chấp” giữa các bên.
- Theo đó, các bên tiến hành trao đổi, thỏa thuận về những bất đồng và đi đến một thỏa thuận thống nhất. Để thương lượng đạt hiệu quả cao nhất, các bên cần hiểu rõ về hợp đồng và các quy định của pháp luật để cùng ngồi thương lượng. Mà bản chất của thương lượng là thỏa thuận giữa các bên tranh chấp, không có sự xuất hiện của bên thứ ba.
- Do vậy, các bên có thể nhờ luật sư tham gia với vai trò là người đại diện để quá trình thương lượng đạt hiệu quả hơn.
Hòa giải
Hòa giải cũng là quá trình trao đổi, thỏa thuận và mang lại sự thỏa thuận thống nhất. Nhưng hòa giải khác với thương lượng là có sự can thiệp của bên thứ ba, là người trung gian đứng ra giải quyết xung đột, mâu thuẫn và đưa ra sự thống nhất.
Giải quyết tranh chấp tại Tòa án
Nhìn chung, pháp luật ưu tiên các bên tự thương lượng, hòa giải. Trường hợp không thương lượng, hòa giải được thì các bên có thể nộp đơn khởi kiện tại tòa án.
Trình tự giải quyết tranh chấp hợp đồng dân sự tại Tòa án
Căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 26, Điều 35, Điều 39 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 (BLTTDS), thẩm quyền giải quyết của Tòa án được xác định như sau:
- Hầu hết, Tòa án nhân dân cấp huyện nơi bị đơn cư trú có thẩm quyền giải quyết tranh chấp.
- Tuy nhiên, đối với tranh chấp mà có đương sự hoặc có tài sản ở nước ngoài theo khoản 3 Điều 35 BLTTDS thì do Tòa án nhân dân cấp tỉnh giải quyết.
- Ngoài ra, nguyên đơn có quyền lựa chọn tòa án giải quyết theo quy định tại khoản 1 Điều 40 BLTTDS 2015.
Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý vụ án, Chánh án Tòa án quyết định phân công Thẩm phán giải quyết vụ án, đồng thời Thẩm phán phải thông báo bằng văn bản đến các đương sự và cơ quan, tổ chức có liên về việc đã thụ lý vụ án. (Điều 196, Điều 197 BLTTDS 2015).
Quá trình giải quyết vụ án được tiến hành theo thủ tục sơ thẩm và các thủ tục khác theo quy định chung về luật tố tụng dân sự.
Trên đây là nội dung tư vấn giải quyết tranh chấp hợp đồng dân sự. Hợp đồng nên được soạn thảo một cách rõ ràng và chi tiết nhất có thể để làm căn cứ yêu cầu Tòa án giải quyết sau này, nhằm đảm bảo tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng. Để được tư vấn hỗ trợ, hướng dẫn chi tiết trong quá trình giải quyết Quý khách hàng vui lòng liên hệ:
- Hotline: 0907533111
- Công Ty Luật TNHH SMPL
- Địa chỉ: số 57, Đường N1, Phường Cát Lái, Thành phố Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh
- Website: dichvuphaply.net
- Email: [email protected]