Hiện nay, việc cho vay thông qua tin nhắn mà không có hợp đồng diễn ra rất phổ biến do sự tin tưởng, tín nhiệm giữa hai bên. Tuy nhiên, điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro trong trường hợp bên vay không trả nợ hoặc có khả năng trả nợ nhưng cố tình trốn tránh, không hợp tác để giải quyết khoản vay. Cho vay tiền qua tin nhắn nhưng bên vay không trả thì có kiện ra toà được không? Các tài liệu như ảnh chụp màn hình tin nhắn, đoạn ghi âm có được xem là chứng cứ để tiến hành khởi kiện ra toà hay không?
Nếu bạn đang gặp phải những vướng mắc pháp lý liên quan đến tranh chấp hợp đồng vay tài sản, bạn hãy theo dõi bài viết dưới đây của Công ty Luật TNHH SMPL để được tư vấn và hỗ trợ nhé! Với tôn chỉ hoạt động “CHUYÊN NGHIỆP, HIỆU QUẢ, AN TOÀN PHÁP LÝ”, Công ty Luật SMPL cam kết đồng hành pháp lý và mang đến cho khách hàng những giải pháp hiệu quả, nhanh chóng và tiết kiệm chi phí.
Tin nhắn cho vay tiền có giá trị như hợp đồng cho vay tài sản không?
Căn cứ tại Khoản 1 Điều 119 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về hình thức của giao dịch dân sự như sau: “Giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể. Giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử được coi là giao dịch bằng văn bản”.
Như vậy, các tin nhắn thoả thuận vay tiền được xem như giao dịch dân sự dưới hình thức thông điệp dữ liệu và có giá trị tương đương hợp đồng cho vay tài sản. Trong trường hợp bên vay tiền cố tình không trả nợ khi đến hạn, bên cho vay tiền có thể xem xét khởi kiện ra toà án để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Ảnh chụp màn hình tin nhắn, đoạn ghi âm có được xem là chứng cứ để khởi kiện ra toà không?
Trong quá trình tiến hành khởi kiện, bên cho vay tiền cần cung cấp được các chứng cứ chứng minh việc cho vay tiền là có thật. Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 94 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, dữ liệu điện tử cũng được xem là một nguồn chứng cứ:
Chứng cứ được thu thập từ các nguồn sau đây:
“1. Tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được, dữ liệu điện tử.
2. Vật chứng.
3. Lời khai của đương sự.
4. Lời khai của người làm chứng.
5. Kết luận giám định.
6. Biên bản ghi kết quả thẩm định tại chỗ.
7. Kết quả định giá tài sản, thẩm định giá tài sản.
8. Văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi pháp lý do người có chức năng lập.
9. Văn bản công chứng, chứng thực.
10. Các nguồn khác mà pháp luật có quy định”.
Tuy nhiên, dữ liệu điện tử được công nhận là chứng cứ thì phải đáp ứng yêu cầu tại Khoản 2 Điều 95 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 như sau:
“2. Tài liệu nghe được, nhìn được được coi là chứng cứ nếu được xuất trình kèm theo văn bản trình bày của người có tài liệu đó về xuất xứ của tài liệu nếu họ tự thu âm, thu hình hoặc văn bản có xác nhận của người đã cung cấp cho người xuất trình về xuất xứ của tài liệu đó hoặc văn bản về sự việc liên quan tới việc thu âm, thu hình đó”.
Như vậy, ảnh chụp màn hình tin nhắn, các đoạn ghi âm về việc cho mượn tiền có thể được xem là chứng cứ trong vụ án dân sự nếu xuất trình được văn bản minh chứng xuất xứ của các nội dung này. Thông thường, người cho mượn tiền có thể lập vi bằng đối với các đoạn tin nhắn, đoạn ghi âm để làm chứng cứ giao nộp cho Toà án.
Để được tư vấn và hỗ trợ các vấn đề pháp lý, Quý Khách hàng vui lòng liên hệ:
- Hotline: 0907533111
- Công Ty Luật TNHH SMPL
- Địa chỉ trụ sở chính: số 57, Đường N1, Phường Cát Lái, Thành phố Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh
- Website: dichvuphaply.net
- Email: [email protected]