Cho người khác mượn hồ sơ để đi làm (chứng minh nhân dân/ căn cước công dân…..) và tham gia bảo hiểm xã hội, nhiều người lao động bị thiệt thòi vì không được hưởng các chế độ BHXH vì trùng thời gian đóng BHXH. Vậy, trường hợp cho người khác mượn chứng minh, căn cước đi làm và đóng trùng bảo hiểm xã hội giải quyết thế nào để được hưởng các chế độ BHXH?
Theo nội dung tại Công văn 1767/LĐTBXH – BHXH ngày 31/5/2022 “V/v người lao động mượn hồ sơ của người khác để giao kết hợp đồng lao động” của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội” hướng dẫn đưa ra phương án giải quyết:
” 1. Trường hợp người lao động mượn hồ sơ của người khác để giao kết hợp đồng lao động là hành vi vi phạm nguyên tắc “trung thực” theo quy định tại khoản 1 Điều 15 của Bộ luật Lao độngvà vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin khi giao kết hợp đồng lao động theo quy định tại khoản 2 Điều 16 của Bộ luật Lao động. Căn cứ quy định tại điểm b khoản 1 Điều 49 của Bộ luật Lao động đây là trường hợp hợp đồng lao động vô hiệu toàn bộ.
2. Thẩm quyền tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu và xử lý hợp đồng vô hiệu được thực hiện theo quy định tại Điều 50, Điều 51 của Bộ luật Lao động và mục 3 Chương III của Nghị định số 145/2020/NĐ-CPngày 14 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động. Theo đó, Tòa án nhân dân có quyền tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu. Việc xử lý hợp đồng lao động vô hiệu toàn bộ do người giao kết không đúng thẩm quyền hoặc vi phạm nguyên tắc giao kết hợp đồng lao động được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Bộ luật Lao động và Điều 10 của Nghị định số 145/2020/NĐ-CP. Tại khoản 4 Điều 10 của Nghị định số 145/2020/NĐ-CP quy định: “Các vấn đề khác liên quan đến việc xử lý hợp đồng lao động vô hiệu toàn bộ do người giao kết không đúng thẩm quyền hoặc vi phạm nguyên tắc giao kết hợp đồng lao động thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự.”
Như vậy, trong trường hợp người sử dụng lao động, người mượn hồ sơ, người cho mượn hồ sơ thỏa thuận được và không có tranh chấp gì thì người mượn hồ sơ hoặc người cho mượn hồ sơ nộp đơn yêu cầu tòa án giải quyết tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu và giải quyết hậu quả của hợp đồng lao động vô hiệu. Trong trường hợp có tranh chấp thì người mượn hồ sơ hoặc người cho mượn hồ sơ nộp đơn khởi kiện người sử dụng lao động yêu cầu tòa án giải quyết tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu và giải quyết hậu quả của hợp đồng lao động vô hiệu.
Theo Quy trình giao nhận hồ sơ theo cơ chế một cửa tại Thông báo số: 1288/TB-BHXH, ngày 28/03/2023 của Bảo hiểm xã hội Thành phố Hồ Chí Minh hướng dẫn về Quy trình điều chỉnh nhân thân do mượn hồ sơ người khác tham gia BHXH (Quy trình 628) như sau:
“Khi có các phát sinh, người lao động lập hồ sơ theo phiếu giao nhận hồ sơ 628, trong các trường hợp:
– Người mượn hồ sơ và những đơn vị sử dụng lao động thỏa thuận ký lại hợp đồng lao động theo đúng thông tin nhân thân của người lao động thì người mượn hồ sơ nộp hồ sơ cho một trong những cơ quan BHXH nơi quản lý đơn vị đã ký lại hợp đồng lao động để điều chỉnh lại thông tin nhân thân theo đúng quy định.
– Trường hợp không thỏa thuận được với những đơn vị sử dụng lao động ký lại hợp đồng lao động, người mượn hồ sơ liên hệ Toà án lao động để khởi kiện người sử dụng lao động ra toà. Khi có quyết định của Toà án tuyên bố những hợp đồng lao động đó là vô hiệu thì người mượn hồ sơ nộp hồ sơ cho một trong những cơ quan BHXH nơi quản lý đơn vị có phát sinh mượn hồ sơ để điều chỉnh lại thông tin nhân thân theo đúng quy định.”
Xem xét các phương án giải quyết về quy trình điều chỉnh nhân thân do mượn hồ sơ người khác tham gia BHXH tại Công văn 1767/LĐTBXH-BHXH ngày 31/5/2022 “ V/v người lao động mượn hồ sơ của người khác để giao kết hợp đồng lao động” của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Thông báo số:1288/TB-BHXH ngày 28/03/2023 của Bảo hiểm xã hội Thành phố Hồ Chí Minh thì tại Thành phố Hồ Chí Minh có hai phương án giải quyết như sau:
Phương án thứ nhất: Người mượn hồ sơ và đơn vị sử dụng lao động thỏa thuận ký lại hợp đồng lao động theo đúng thông tin nhân thân của người lao động. Sau đó người mượn hồ sơ nộp hồ sơ cho một trong những cơ quan BHXH nơi quản lý đơn vị đã ký lại hợp đồng lao động để điều chỉnh lại thông tin nhân thân theo đúng quy định. Đây là phương án giải quyết rút gọn vừa tạo điều kiện và hỗ trợ cho người lao động vừa thuận tiện cho người sử dụng lao động trên tinh thần đàm phán, thương lượng giữa các bên.
Phương án thứ hai: Nếu trong trường hợp người mượn hồ sơ và những đơn vị sử dụng lao động không thỏa thuận ký lại hợp đồng lao động theo đúng thông tin nhân thân của người lao động thì người mượn hồ sơ liên hệ Toà án lao động để khởi kiện người sử dụng lao động ra toà và tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu. Khi có quyết định của Toà án tuyên bố những hợp đồng lao động đó là vô hiệu thì người mượn hồ sơ nộp hồ sơ cho một trong những cơ quan BHXH nơi quản lý đơn vị có phát sinh mượn hồ sơ để điều chỉnh lại thông tin nhân thân theo đúng quy định.
So với phương án thứ nhất thì phương án thứ hai sẽ tốn kém về mặt thời gian cũng như chi phí cho các bên trong quá trình giải quyết tại Toà án nhân dân có thẩm quyền.
Nếu Quý Khách đang gặp trường hợp cho người khác mượn chứng minh, căn cước đi làm hoặc mượn chứng minh, căn cước của người khác đi làm và đóng trùng bảo hiểm xã hội nên không thể thực hiện thủ tục rút bảo hiểm xã hội một lần hoặc hưởng các chế độ khác thì liên hệ ngay Công ty Luật TNHH SMPL để được hướng dẫn, hỗ trợ giải quyết.
Công Ty Luật TNHH SMPL
Hotline: 0397011001
Địa chỉ: 57 đường N1 (D18 Muồng Tím), Phố Đông Village, Cát Lái, Thành phố Thủ Đức, TP.HCM
Website: dichvuphaply.net
Email: [email protected]